Vì sao tượng Bồ tát Quán Thế Âm mang hình tướng người nữ?
Ngày còn nhỏ, tôi luôn nghĩ Bồ Tát Quán Thế Âm là nữ. Phần vì hễ nhắc đến Bồ Tát, người ta thường gọi Ngài vô cùng gần gũi là "Mẹ Quán Âm"; phần vì sau khi xem bộ phim Tây Du Ký, hình ảnh nhân vật Quán Âm Bồ Tát trong phim với khuôn mặt nhân từ và y áo thướt tha đã ghim sâu vào tâm trí tôi, khiến tôi thêm một lần nữa "mặc định" tướng nữ cho Ngài.

Mãi đến sau này, khi bén duyên với Phật pháp tôi mới biết: Bồ Tát Quán Thế Âm không phải nam, không phải nữ. Ngài luôn tùy duyên ứng hiện để cứu độ tất thảy chúng sanh, lúc trong thân nam, khi trong thân nữ. Vậy tại sao tượng Ngài lại được tạc theo hình tướng người nữ?

Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm là nói đến lòng đại từ, đại bi của Ngài. Mỗi khi gặp chuyện bất trắc, hay trong hoạn nạn, nguy khốn, người ta thường niệm danh hiệu: "Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát", hay "Nam mô tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát", đủ thấy được Ngài đã trở thành nơi nương tựa vững chắc, thành nguồn cứu rỗi cho những người con Phật. Có được điều đó, một phần là do hình tướng người nữ mà Ngài thị hiện. Trong hình tướng ấy, Ngài khiến cho chúng sanh cảm thấy được chở che, yêu thương, vỗ về, an ủi... như một người mẹ nhân từ, bao dung và nhẫn nại với những đứa con thơ dại của mình. Đây cũng chính là lí do khiến tượng Ngài được tạc trong hình tướng người nữ.
Mỗi khi gặp phiền não trong cuộc sống, ngắm tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tâm ta như được tưới tẩm bởi nước cam lồ ngọt mát, làm dịu đi những đắng đót cuộc đời. Ngắm tượng Ngài còn giúp ta tự nhìn lại chính mình, gột rửa tâm ta, nhắc ta học hạnh từ bi và nhẫn nhục của Ngài để có thể tiến thêm một bước thật an trên con đường nhân sinh cũng như tu tập.
Ngọc Hà